Thời điểm giao mùa là lúc khoảng thời tiết giao thoa và thường xuất hiện nhiệt độ chênh lệch lớn. Kiểu thời tiết của những khoảng thời gian giao mùa thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp và sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi. Bởi nhiệt độ chênh lệch lớn khi giao mùa nên người lớn tuổi có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như sức đề kháng giảm hay các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường,…
Những vấn đề sức khỏe ở người lớn tuổi nếu nghiêm trọng còn dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ làm suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong. Để phòng chống bệnh đột quỵ, người trung niên và lớn tuổi phải thay đổi nếp sống lành mạnh theo những hướng dẫn dưới đây.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Đặc biệt để phòng chống bệnh đột quỵ, chế độ ăn uống cũng cần được xây dựng lành mạnh, hợp lý. Ngoài những thức ăn hàng ngày như thịt cá, hải sản, tinh bột, ngũ cốc thì mỗi bữa ăn cũng nên bổ sung thêm khoai lang, nho khô, chuối để tăng cường kali giảm bớt nguy cơ đột quỵ. Theo một số nghiên cứu thì rau củ quả, gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa, dầu oliu cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch, bạn có thể bổ sung thêm hàng ngày.
Về đồ uống, bạn cũng nên hạn chế uống quá nhiều bia rượu chứa chất cồn, chất kích thích hay hút thuốc lá trong thời điểm giao mùa. Bởi khi chất cồn lưu lại trong máu lâu thì có thể gây ra các nguy cơ tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng mái và làm giảm độ kết dính của máu dẫn tới đột quỵ.
Tăng cường tập thể dục rèn luyện sức khỏe
Cùng với chế độ ăn uống, việc tăng cường tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe cũng rất cần thiết. Mỗi ngày bạn cần phải thực hiện vận động hàng ngày khoảng 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Tuy nhiên cần chú ý không nên luyện tập với cường độ quá cao sẽ không tốt cho tim mạch.
Các hoạt động khi thực hiện vận động, tăng cường tập thể dục nên đảm bảo theo 3 giai đoạn lần lượt từ khởi động, duy trì nhịp tim ở mức tối ưu và giảm dần cường độ luyện tập. Thực hiện theo các bước cơ bản này sẽ giúp giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và tăng sức bền cho cơ thể, hệ tim mạch.
Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, làm vườn sẽ giúp tuần hoàn máu và duy trì nhịp tim ổn định, hạn chế bệnh tim dẫn đến đột quỵ.
Ngoài việc tăng cường tập luyện thể dục, bạn cũng cần giữ ấm cơ thể vào những khoảng thời gian như lúc sáng sớm hay tối muộn. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, khi có nắng và khi tắt nắng đôi khi sẽ khiến cơ thể bạn không thể thích nghi kịp và dễ nhiễm lạnh, dẫn đến tăng huyết áp, vỡ mạch máu gây đột quỵ.
Nhận biết các dấu hiệu dẫn đến đột quỵ
Đột quỵ là một tình trạng não bộ tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu bị gián đoạn, thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng cho các tế bào. Nếu người bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời thì lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ càng ảnh hưởng đến khả năng vận động, tư duy, thậm chí gây tử vong. Có một số dấu hiệu đặc trưng dẫn đến đột quỵ mà bạn nên nhận biết và lưu ý như:
F (mặt): Cơ mặt khó cử động, thị lực bị rối loạn, khi cười miệng bị héo.
A (tay và chân): Tay chân mệt mỏi, có cảm giác tê liệt và khó cử động linh hoạt.
S (nói): Không nói được như bình thường, bị líu lưỡi, tắt tiếng.
T (thời gian): Khi nhận thấy bất kỳ một trong các dấu hiệu trên, cần phải cấp cứu ngay để tăng khả năng cứu sống.
Hy vọng những chia sẻ trên bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin để xây dựng nếp sống lành mạnh, nhắc nhở những người thân yêu trong gia đình chú trọng hơn về sức khỏe.